BÍ QUYẾT NUÔI DƯỠNG SỰ SÁNG TẠO VÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ NHỎ 

Bí quyết nuôi dưỡng sự sáng tạo của trẻ

Einstein đã từng nói: “Imagination is more important than knowledge” – Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Mỗi bạn nhỏ sinh ra đều là những nhà sáng tạo bẩm sinh với trí tưởng tượng phong phú khiến chúng ta đáng kinh ngạc. Việc nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho sự sáng tạo ấy sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Sự sáng tạo của trẻ em không giống như sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi… Nhưng với trẻ em thì khác, sáng tạo bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Điều này phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, tình huống và thường kém bền vững.

Theo Tiến sĩ Susan Engel, tác giả cuốn sách “Real Kids: Creating Meaning in Everyday Lives” cho biết: trẻ từ 2,5 tuổi đã có thể phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế, tức là con hoàn toàn nhận biết việc con bò không có màu hồng. Nhưng khi trẻ đang bật chế độ sáng tạo – tưởng tượng – chơi, thì những điều đó trở nên không còn quan trọng nữa.

Vì vậy, bố mẹ không cần quá lo lắng, hãy hết mình nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho con được thỏa sức sáng tạo với một vài bí kíp sau đây nhé.

1. Tắt TV, mở thế giới

Sáng tạo và trí tưởng tượng cũng giống như những bộ phận cơ trên cơ thể của chúng ta vậy, nếu không được thường xuyên luyện tập, chúng sẽ yếu và dần lụi tàn. Việc trẻ con bị cuốn vào các hoạt động bị động (xem TV, ipad, iphone…) sẽ khiến trẻ thu nạp vào mình những hình ảnh, ý tưởng, cách tư duy, logic, cách giải quyết vấn đề…của người khác, thay vì tự nghĩ ra những điều ấy cho riêng mình.

Cho trẻ tham gia các  hoạt động ngoài trời

Thay vào đó hãy đưa trẻ ra ngoài chơi, hòa mình vào thiên nhiên. Vì thế giới tự nhiên luôn chuyển động không ngừng, chính điều đó truyền cảm hứng cho trẻ suy nghĩ, đặt câu hỏi, đặt giả thuyết và phát triển óc sáng tạo vô cùng mạnh mẽ. Nếu ở bờ biển, hãy đưa cho trẻ 1 viên đá nhỏ để vẽ trên cát. Nếu ở công viên, bãi cỏ, hãy cùng con nhặt lá, cành cây, bạn sẽ bất ngờ về vô số “thiết kế” con có thể nghĩ ra được với những thứ đó. 

2. Thử trò chơi đóng vai & sáng tạo câu chuyện

Khi bày trò đóng vai, ba mẹ sẽ bất ngờ khi con có thể phát minh ra một kịch bản hấp dẫn với nhiều  tình tiết khác nhau. Với hoạt động này, trẻ sẽ biết cách sắp xếp suy nghĩ của mình, phân vai trò cho bản thân và mọi người xung quanh, đồng thời phát triển các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội. Ví dụ, nếu con thích siêu nhân, hãy để con tự do dẫn dắt chúng ta phiêu lưu đến những vùng đất lạ, kể về những sức mạnh hay siêu năng lực con có thể nghĩ ra. Rất có thể con sẽ là người tạo ra một “siêu anh hùng” mới đấy!

3. Tham gia hoạt động nghệ thuật

Nghệ thuật gắn liền với sự sáng tạo. Mọi hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, ca hát, chơi đàn, nhảy múa, biểu diễn đóng vai… đều khơi dậy tư duy sáng tạo, phát triển thẩm mỹ, rèn luyện sự tập trung, sự tự tin, đồng thời phát triển các kỹ năng vận động tinh và sự phối hợp giữa tay và mắt cho trẻ.

4. Đọc sách

Hoạt động đọc sách và chia sẻ về sách là cách tuyệt vời để cung cấp cho con những chất liệu nhiệm màu cho sáng tạo. Bạn cũng có thể khuyến khích trẻ nghĩ ra một cái kết khác cho Nàng tiên cá, hoặc để con đóng vai làm nhân vật chính và kể lại câu chuyện theo cách của mình. Hoặc có thể đặt ra những tình huống để dẫn dắt sự sáng tạo của trẻ, ví dụ như “Sẽ ra sao nếu cô Tấm không đem cá Bống về nhà để nuôi?” hay “Sẽ thế nào nếu Bạch Tuyết không gặp được Bảy chú lùn nhỉ?”

5. Dành thời gian để kích thích trí tưởng tượng

Đó là khoảng thời gian không vướng bất kỳ lịch học chính, học thêm, hay bất kỳ hoạt động có trong thời gian biểu nào. Thời gian được chơi tự do, tự chọn thứ để chơi, cách chơi, luật chơi… sẽ là quãng thời gian hoàn hảo cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con. Chỉ cần vài phút nằm trên bãi cỏ và ngắm nhìn những đám mây đủ hình dáng trên bầu trời cũng cho phép trẻ có cơ hội tưởng tượng và sáng tạo. Ba mẹ hãy xem trọng khoảng thời gian này, vì đó là lúc con dùng Tâm và Tuệ để khám phá và cảm nhận cuộc sống. Ngay sau những khoảng thời gian đó, ba mẹ hãy khuyến khích con chia sẻ về những điều con thấy, suy nghĩ và cảm nhận được.

6. Tha thứ cho những bừa bộn, sai hỏng, vụng về

Khi con đang chơi bằng tất cả trí tưởng tượng và sự sáng tạo của mình, điều tồi tệ nhất bạn có thể nói với con là “Con đang bày bừa hết cả ra rồi”, “Những đồ này không phải để làm như thế” hoặc “Cái này phải để ở chỗ kia chứ”. Khi nhỏ, trẻ có cơ hội được bày bừa, được tháo lắp đồ đạc, được chơi với đống sữa đổ ra sàn (sau khi được mẹ góp ý và dặn dò về hành vi), sẽ học được cách xử lý tình huống trong tương lai, bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng là 1 chuỗi những sự kiện được sắp đặt sẵn, 1 cách ngăn nắp và rõ ràng để ta lần lượt bước qua.

Tha thứ những chuyện lặt vặt của con

Có thể nói, sáng tạo chính là cánh cửa tiềm năng kết nối trẻ với thế giới. Và trẻ em hạnh phúc hơn người lớn vì chúng có thể sống trong trí tưởng tượng của chính mình. Sự sáng tạo chính là nguồn năng lượng nuôi sống tâm hồn của trẻ hàng ngày, biết đâu đây chính là thời kỳ “sơ khai” của những ý tưởng, những phát minh tuyệt vời của các bạn ấy sau này!

Cùng OneSpace sáng tạo mỗi ngày, tạo ra thật nhiều điều mới mẻ và thú vị với các khóa học công nghệ hot nhất hiện nay. Xem thông tin chi tiết khóa học tại đây